GeForce RTX 2060 là dòng card đồ hoạ phổ thông của Nvidia, nó chính là phiên bản thay thế cho GeForce GTX 1060 thế hệ Pascal với GPU TU106 dùng kiến trúc Turing mới, có đầy đủ các món ăn chơi của thế hệ RTX như Ray Tracing và khử răng cưa DLSS trong khi mức giá lại khá dễ chịu, $349 cao hơn khoảng 50 USD so với phiên bản GTX 1060 khi mới ra mắt. Phiên bản mình đánh giá một lần nữa là Founders Edition của Nvidia, hiệu năng có thể nói là tiêu chuẩn và mang tính tham chiếu cao.
Dù rằng là phiên bản rẻ hơn so với RTX 2070/2080/2080 Ti Founders Edtion nhưng RTX 2060 FE vẫn có thiết kế không hề thua kém, rất cao cấp. Những thứ mình rất ấn tượng trên thiết kế của dòng FE năm nay như vỏ và backplate đều làm bằng nhôm dày, các cạnh được vát kim cương, hoàn thiện tỉ mỉ và 2 quạt tản nhiệt trông giống như cái bếp ga đều có trên RTX 2060 FE. Kể từ thế hệ GeForce RTX 20 series thì Nvidia đã phải đổi sang thiết kế tản nhiệt mở với heatsink lớn hơn, 2 quạt nhằm đảm bảo hiệu năng GPU.
RTX 2060 FE cũng như dòng RTX 2060 nói chung không có chân kết nối NVLink để sử dụng đa GPU. Thực ra thì điều này không có gì là lạ bởi Nvidia bởi từ 1060 Nvidia đã bỏ hỗ trợ SLI.
Một điều mình thích là RTX 2060 FE vẫn có cổng USB-C hỗ trợ trình xuất DisplayPort cũng như là cổng VirtualLink dành cho các loại kính thực tế ảo. Thành ra nếu anh em có ý định dùng RTX 2060 với màn hình USB-C như dòng LG 5K, 4K UltraFine hay dòng Dell UltraSharp U2719DC, U2419HC thì cần phải lưu ý chỉ có một số phiên bản RTX 2060 hỗ trợ trình xuất DisplayPort qua USB-C. Ngoài phiên bản Founders Edition này thì mình tìm hiểu qua chỉ có Gigabyte Aorus RTX 2060 Extreme, Zotac RTX 2060 Extreme Plus OC6 là có USB-C, các phiên bản RTX 2060 của ASUS lẫn MSI đều không.
RTX 2060 chỉ dùng một jack nguồn 8 pin, tương đương với GTX 1070/1070 Ti và nhiều hơn 2 pin so với GTX 1060. Điều này cho thấy RTX 2060 FE ăn điện nhiều hơn so với phiên bản tiền nhiệm. TDP của RTX 2060 cũng đã là 160 W, cao hơn 10 W so với trần 150 W của GTX 1070 và 40 W so với GTX 1060.
TU106 trên RTX 2070.
Kiến trúc Turing mang lại cho dòng GeForce RTX 20 series những tính năng rất hay như Ray Tracing - mô phỏng ánh sáng theo chùm tia và Deep Learning Supersampling (DLSS) - khử răng cưa bằng công nghệ máy học. GeForce RTX 2060 FE cũng được thừa hưởng những tính năng này bởi về cơ bản nó dùng GPU TU106 trên RTX 2070 nhưng bị cắt giảm đi. Nếu như TU106 trên RTX 2070 có 3 cụm GPC (Graphics Processing Cluster) với thiết lập mỗi GPU gồm 1 Raster Engine để xử lý điểm ảnh + 6 cụm TPC (Texture Processing Cluster) để xử lý kết cấu bề mặt.
TU106 trên RTX 2060 với một cụm GPC bị cắt đi 1 nửa.
Ở cấp thấp hơn, trong mỗi TPC có kết cấu gồm 1 engine PolyMorph để xử lý hình học + 2 vi xử lý đa luồng SM (Stream Multiprocessor). Mỗi SM có 64 nhân CUDA, 8 nhân Tensor, 1 nhân Ray Tracing, 4 đơn vị texture (TU) và chia sẻ chung bộ đệm L2 dung lượng 4 MB. Tuy nhiên, TU106 trên RTX 2060 bị cắt giảm một nửa cụm GPC, tức là chỉ còn 2 cụm rưỡi thay vì 3 như trên RTX 2070. Kết quả là một cụm GPC sẽ chỉ có 3 cụm TPC (tổng là 15 thay vì 18 TPC), từ đó dẫn đến số lượng SM còn lại là 15 x 2 = 30 SM, tiếp tục nhân thì chúng ta có 30 x 64 = 1,920 nhân CUDA, 30 x 8 = 240 nhân Tensor và 30 nhân Ray Tracing cùng với 30 x 4 = 120 TU. Cũng do sự cắt giảm này khiến bộ đệm L2 chia sẻ bị cắt đi đúng 25% tức là chỉ còn 3 MB thay vì 4 MB như TU106 trên RTX 2070.
Bình luận